NHỮNG XÚC CẢM CHO MÀU PHƯỢNG THÁNG MƯỜI
Tháng Mười chợt đến với những cơn mưa hắt ngang bầu trời. Tháng Mười về khi sân trường đã tắt màu nắng hạ, những đám lá khô xào xạc cuốn theo làn gió heo may đầu thu. Tháng Mười, những đốm phượng vĩ đã thôi ngừng thắp lửa trên bầu trời thì có một điều kì diệu đã mở ra – sân trường bỗng rực màu phượng “lạc mùa”. Như một hạt nắng giữa ngày đông, phượng vô tình làm thổn thức trái tim của những nàng thơ để rồi xúc cảm cho màu phượng tháng Mười được ghi lại một cách chân thực mà say đắm lòng người.
Nếu ai đã từng đắm mình trong dòng chảy ngôn từ biến hóa sắc sảo đầy thú vị khi viết về cây hoa So đo cam rực thắm vào mùa Đông giá rét thì hẳn sẽ nhận ra ngòi bút quen thuộc của tác giả Lê Thị Kim Oanh trong bài thơ “Hoa nở trái mùa”:
Mùa hoa đã trọn đâu em
Thu về đầu ngõ ta quên đón về
Lá thu xào xạc tứ bề
Rụng rơi khắp cõi mân mê gọi mời
Tơi êm hoa lá nhẹ rơi
Bời bời tình thắm gợi mời bấy lâu
Phượng mang tâm sự về đâu
Còn vương nỗi nhớ tím mầu lời thơ
Rực khi hạ đến ta chờ
Thắm tình hồ điệp thẫn thờ ngày xuân
Bên trời hương khói phù vân
Đời hoa rực mộng tươi ngần nhụy êm
Nở bung sắc Phượng bên thềm
Hoa khoe nét thắm góp thêm sắc đời
MÙA THU LÁ RỤNG TƠI BỜI
PHƯỢNG CÒN RỰC THẮM BÊN ĐỜI NỞ HOA
Và hơn thế, một làn gió mới quyện đến nâng cảm xúc bay cao và ngân đầy mới mẻ khi màu phượng chạm đến góc nhỏ tâm hồn của tác giả Hà Hoa trong bài thơ “Chùm hoa phượng tháng Mười”:
Một ngày nhìn tán lá xanh,
Một ngày, trên cành chớm nụ,
Một đoá thẹn thùng, rung rinh cành xinh
Một sắc đỏ lung linh – phượng tháng Mười, tự nhiên hoa nở
Xanh biếc lá, đỏ sắc hoa.
Chùm phượng như bốn mươi mấy mùa hè để sắc hồng đọng lại.
Một lần tham lam, ta nhận chùm phượng cho riêng mình
Một lần thấy nơi đây mùa thu thanh trong và mùa hè luyến tiếc
Ta cảm thấy cuộc đời còn mải miết…
Tháng Mười, rồi sẽ dầm dề những cơn mưa,
Sắc hoa kia mưa rồi phai nhạt,
Phượng tháng Mười khoảnh khắc còn trong ta:
Phượng tháng Mười, góc sân trường đã đỏ sắc hoa.
Thời gian qua,
rồi mãi đi về phía sau lưng.
Em đã đến và bung sắc đỏ tưng bừng,
Ta vẫn nhớ:
Mảnh đất này và trái ngọt đã đơm hoa.
Ôi! Chùm phượng tháng Mười hay tiếng của lòng ta?
Mùa Thu rồi cũng đi qua, những cơn mưa và mùa Đông lạnh giá,
Dưới bầu trời Xuân nở ngàn hoa,
Phượng đã tặng chùm hoa tháng Mười- thật lạ!
Nhưng mảnh đất này trăm năm phải nở hoa
Phượng tháng Mười như thôi thúc mỗi chúng ta
Trên mảnh đất trồng người trăm năm nở hoa.
Những xúc cảm về màu hoa phượng tháng Mười!
Lựa chọn cho mình thể thơ lục bát truyền thống, kết hợp với những từ ngữ sắc sảo, tác giả Lê Thị Kim Oanh trong bài thơ “Hoa nở trái múa” mang đến một cảm xúc khó tả. Một chút nồng nàn của hương thu quyện vào một chút tươi mới của sắc hạ được diễn đạt bằng những ngôn từ mang hơi hướng cổ điển làm cho bài thơ toát lên một khúc đằm thắm, trữ tình sâu lắng.
Mùa hoa đã trọn đâu em
Thu về đầu ngõ ta quên đón về
Lá thu xào xạc tứ bề
Rụng rơi khắp cõi mân mê gọi mời
Hương thu chạm đến góc sân trường, nhưng hãy còn e ấp bởi mùa phượng vẫn còn vắt ngang bầu trời, thắm rực cả một vùng. Mặc cho “lá thu xào xạc từ bề” “mân mê gọi mời”, nàng Phượng vẫn ung dung thả mình giữa chút nắng hanh hao còn sót lại bởi “Mùa hoa đã trọn đâu em”. Điều gì khiến Phượng lặng thầm một mình giữa trời thu?
Tơi êm hoa lá nhẹ rơi
Bời bời tình thắm gợi mời bấy lâu
Phượng mang tâm sự về đâu
Còn vương nỗi nhớ tím mầu lời thơ
Hóa ra, Phượng mang tâm sự! Phép đảo ngữ trong hai câu thơ đầu nhằm nhấn mạnh vẻ dịu dàng đằm thắm của Phượng giữa trời thu. Dùng từ “gợi mời” thật dí dỏm và thú vị, tựa như không gian đang cựa quậy, những sự vật đang hiện hữu trong một bức tranh động với những cử chỉ nhẹ nhàng. Phượng vẫn mặc nhiên khoe sắc như lời gợi mời những đôi mắt “tình si” thả hồn vào sắc hoa quyến rũ ấy. Quả thật, Phượng đã làm xao xuyến tâm hồn thơ của tác giả! Trong đoạn thơ này, tác giả cũng đã đề cập đến “tâm sự” của Phượng, điều khiến nàng vẫn không buông sắc hoa, hãy còn đỏ thắm. Phượng níu hạ, níu giữ hương sắc và ánh nắng chan hòa:
Rực khi hạ đến ta chờ
Thắm tình hồ điệp thẫn thờ ngày xuân
Bên trời hương khói phù vân
Đời hoa rực mộng tươi ngần nhụy êm
Phượng thường rực rỡ nhất vào mùa hạ, dưới ánh nắng chói chang sắc hoa ấy lộng lẫy kiêu sa thắp lửa cả bầu trời. Nhưng màu hoa ấy vẫn cô đơn khi lũ học trò đã chia tay mái trường, đứa thì rời đến một ngôi trường mới, đứa tạm xa để tận hưởng cho riêng mình một mùa hè không bài vở, không sân trường, lớp học. Người ta nói màu hoa phượng là màu chia ly, phải chăng vì thế Phượng buồn? Cảm xúc của tác giả không dừng ở đó. Phượng tỏa sắc vào những ngày tháng Mười, bởi đời hoa ấy vẫn mang sắc đỏ đi tưới thắm cho trời, cho đời. Không chỉ là mùa Hạ, sang Thu hay vào Đông, Phượng vẫn âm thầm “rực mộng tươi ngần nhụy êm” dù “bên trời hương khói phù vân”.
Những ngày tháng Mười, Phượng vẫn im lìm đứng bên góc trường tỏa hoa rợp trời:
Nở bung sắc Phượng bên thềm
Hoa khoe nét thắm góp thêm sắc đời
MÙA THU LÁ RỤNG TƠI BỜI
PHƯỢNG CÒN RỰC THẮM BÊN ĐỜI NỞ HOA
Mặc gió thu réo rắt, mặc “lá rụng tơi bời”, Phượng vẫn khoe nét thắm để cho đời thêm tươi, cho ánh mặt trời mùa thu thêm sáng, cho cuộc đời luôn tươi. Phượng của mùa Thu chứ không còn là Phượng của mùa Hạ nữa, như một lời nhắn gửi hãy đổi thay, hãy để sắc của mình đừng phai dù trong mọi hoàn cảnh nào.
Phượng tháng Mười trong xúc cảm của tác giả Lê Thị Kim Oanh thật dạt dào và đầy ý tứ. Còn với tác giả Hà Hoa, một hương gió lành quyện vào những vẫn thơ tươi mới:
Một ngày nhìn tán lá xanh,
Một ngày, trên cành chớm nụ,
Một đoá thẹn thùng, rung rinh cành xinh
Một sắc đỏ lung linh – phượng tháng Mười, tự nhiên hoa nở
Xanh biếc lá, đỏ sắc hoa.
Chùm phượng như bốn mươi mấy mùa hè để sắc hồng đọng lại.
Với một hồn thơ nhạy cảm, chút thay đổi của khung cảnh thiên nhiên cũng khiến tác giả phải thốt lên thành ca từ. Trong lời thơ của tác giả, Phượng như nàng thiếu nữ mười tám e ấp, thẹn thùng rồi bung nở sắc hoa tỏa ngát. Những vần thơ tự do lúc trải dài dạt dào, lúc ngưng đọng để rồi vấn vương tơ lòng trong câu thơ cuối: “Chùm phượng như bốn mươi mấy mùa hè để sắc hồng đọng lại”. Hơn bốn mươi năm, phải một lần ngoảnh lại ta mới thấy chỉ một lần được ngắm Phượng rực hồng giữa trời thu. Hơn bốn mươi năm, Phượng vẫn âm thầm tỏa sắc thắm trời hè, nay thu về Phượng lại bừng lên để “sắc hồng đọng lại” hoài trong trái tim ai.
Một lần tham lam, ta nhận chùm phượng cho riêng mình
Một lần thấy nơi đây mùa thu thanh trong và mùa hè luyến tiếc
Ta cảm thấy cuộc đời còn mải miết…
Tháng Mười, rồi sẽ dầm dề những cơn mưa,
Sắc hoa kia mưa rồi phai nhạt,
Phượng tháng Mười khoảnh khắc còn trong ta:
Phượng tháng Mười, góc sân trường đã đỏ sắc hoa.
Thời gian qua,
rồi mãi đi về phía sau lưng.
Em đã đến và bung sắc đỏ tưng bừng,
Ta vẫn nhớ:
Mảnh đất này và trái ngọt đã đơm hoa.
Ngẩn ngơ riêng một góc trời ngắm màu phượng vĩ đỏ thắm, tác giả tự cho rằng mình “tham lam” đã dành riêng chùm phượng ấy cho riêng mình. Để rồi thắm mình trong sắc phượng, tâm hồn dạt dào cảm xúc ấy lại đong đầy trong những ưu tư về cuộc đời. “Ta cảm thấy cuộc đời còn mải miết…”, thời gian cứ lặng lẽ trôi, tháng Mười rồi cũng bước qua, sắc hoa rồi cũng phai nhạt... Thế nhưng ấn tượng về một màu hoa vẫn còn đọng lại... Ngoảnh lại, những kí ức mới đây thôi vẫn còn như hôm qua, như ngày “Em đã đến và bung sắc đỏ tưng bừng”. Lời thơ nhẹ nhàng nhưng chứa đựng cả một trời tâm trạng. “Em” ở đây là tác giả và cũng là mỗi chúng ta – những con người đến với ngôi trường – mảnh đất này. Tác giả đang ví mỗi người như chùm hoa phượng, đã đến với ngôi trường này và “bung sắc đỏ tưng bừng” để đến hôm nay, “Nơi mảnh đất này trái ngọt đã đơm hoa”.
Cho đến hôm nay, khi sắc phượng tháng Mười thắm đỏ đã khẽ chạm vào sâu thẳm tâm hồn và tác giả thốt lên:
Ôi! Chùm phượng tháng Mười hay tiếng của lòng ta?
Mùa Thu rồi cũng đi qua, những cơn mưa và mùa Đông lạnh giá,
Dưới bầu trời Xuân nở ngàn hoa,
Phượng đã tặng chùm hoa tháng Mười- thật lạ!
Nhưng mảnh đất này trăm năm phải nở hoa
Phượng tháng Mười như thôi thúc mỗi chúng ta
Trên mảnh đất trồng người trăm năm nở hoa.
![](/uploads/phuong.jpg)
Những gian nan trên con đường và mảnh đất trồng người rồi cũng lặng lẽ qua đi như mùa Thu qua, “như những cơn mưa và mùa Đông lạnh giá”. Để rồi dưới bầu trời Xuân, ta tận hưởng khúc ngọt ngào của ngàn hoa. Phượng tỏa sắc giữa Thu, đối với tác giả như một điều lạ mà thiên nhiên ban tặng. Cũng như đối với mảnh đất trồng người này, một làn gió mới đã đến khiến cho những sắc hoa bung nở, cho mảnh đất này “trăm năm nở hoa”.
Gió heo may lại buông mình nhởn nhơ chọc ghẹo chùm phượng vĩ, lá khô xào xạc cuốn theo những cánh phượng đỏ thắm bay khắp sân trường. Học trò ngơ ngác trông lên “Ồ! Phượng vẫn nở hoa kìa!”. Những xúc cảm về màu phượng tháng Mười lại xao xuyến trong lòng ai... Với những vần thơ lục bát và ngôn từ đượm màu cổ điển, bài thơ “Hoa nở trái mùa” của tác giả Lê Thị Kim Oanh đã chạm đến trái tim người đọc những cảm xúc khó tả về một màu phượng “rực thắm bên đời”. Còn với bài thơ “Chùm hoa phượng tháng Mười” của tác giả Hà Hoa lưu lại trong ta một tâm hồn nhạy cảm, một chút say với màu phượng tháng Mười, một chút suy tư về những mải miết trên con đường trồng người.
Trương Phương 20/10/2017