Thời gian miên miết trôi đi theo nhịp chảy của dòng đời với những thăng trầm đã trở thành quy luật. Thế nhưng, mãi trường tồn với thời gian, chẳng phai mờ theo năm tháng trong lòng người thầy là tình yêu mái trường-một tình yêu nào ai dễ quên. Thầy giáo Võ Văn Bồi - một trong những thầy cô giáo có mặt đầu tiên tại trường từ những năm 1975 đã từng trăn trở “Tình yêu với ngôi trường mãi mãi tươi mới, mãnh liệt nhưng ký ức cứ nhạt nhoà theo năm tháng”. 35 năm đã trôi qua, một quãng thời gian khá dài để đánh dấu sự trưởng thành của một ngôi trường mang tên người anh hùng Lý Tự Trọng, một quãng thời gian đủ để tạo nên những đổi thay từ giá trị vật chất đến sự cảm nhận của hồn người. Các thế hệ thầy cô giáo được coi là những cánh chim đầu đàn, những người đặt nền móng đầu tiên cho ngôi trường nay người còn người mất mà các thầy còn ở lại nay cũng đã ngoài sáu mươi. Khi tôi gặp các thầy để hỏi về thời kỳ đầu của ngôi trường ai cũng phấn chấn, cũng nao nao hoài niệm về một thời tuổi trẻ say sưa kể trong tiếng hát tự trào. Những kỷ niệm từ lâu lắm bỗng lại hiện về thật tươi nguyên như mới ngày hôm qua...
Trường THCS Lý Tự Trọng ban đầu có tên là trường Vinh Sơn (tên vị thánh của đạo Công giáo, vì lúc đó trường nằm chung đất với giáo xứ Sơn Trà). Đến khoảng tháng 10 năm 1975 trường đổi tên là Lý Tự Trọng nằm sát bên hai trường tiểu học: Nguyễn Tri Phương và Trần Quốc Toản (có những năm trường nằm sáp nhập chung với trường Trần Quốc Toản, nên có tên trường cấp 1, 2 Lý Tự Trọng ). Thuở ấy, trường thật đơn sơ, chỉ khoảng 7, 8 lớp học với 1 dãy nhà cấp bốn cũ kỹ. Trường có khoảng 30 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, đời sống khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, bốn bề còn hoang sơ. Điều kiện dạy và học của thầy trò bị ảnh hưởng bởi bao gian nan vất vả, lại thêm địa bàn dân cư nghèo của một làng chài tận cùng bán đảo, bởi đời sống sau chiến tranh có nhiều xáo trộn, biến động, người dân chưa thật an cư để lạc nghiệp. Chính vì đời sống kinh tế khó khăn nên việc học chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của họ-những ngư dân chỉ quen làm bạn với sóng, gió, biển cả tìm kế mưu sinh. Khi ấy, việc học đối với họ là vô nghĩa bởi kiếm cái ăn còn vất vả thì lấy đâu ra điều kiện để mà học hành. Khó khăn chồng chất đôi lúc tưởng chừng muốn buông xuông bởi cái nghiệt ngã của nghiệp nhà giáo thế nhưng bằng sức trẻ, bằng tình yêu nghề và lý tưởng cao đẹp của những con người XHCN thời đại Hồ Chí Minh, các thầy cô đã bám lớp, bám trường, kiên trì đưa từng con chữ, từng con số, khai sáng vùng tri thức, nhen nhóm những ước mơ, để bao thế hệ học sinh tiếp bước làm rạng rỡ một vùng đất nghèo, một ngôi trường làng bé nhỏ.
35 năm qua, ta tự hào bởi bao thế hệ học trò được ươm mầm từ ngôi trường này giờ đã trưởng thành là tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, bộ đội, cán bộ nhà nước hoặc những doanh nghiệp thành đạt có mặt khắp mọi miền Tổ Quốc làm rạng danh vùng đất cuối Sơn Trà. Những thế hệ trưởng thành từ mái trường này đã là niềm tự hào của mái trường Lý Tự Trọng, ta phải kể đến: Nguyễn Hữu Nhân - tiến sĩ (học ở Liên Xô), kỹ sư chính khai thác tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam; Lê Văn Tùng - Thạc sĩ quản trị phần mềm công nghệ thông tin Hồ Chí Minh; Huỳnh Văn Dũng - đại tá quân đội nhân dân; bác sĩ Nguyễn Văn Tám khoa tim mạch bệnh viện đa khoa Sơn Trà; bác sĩ Nguyễn Thị Diễm - trưởng khoa sản Bệnh viện Vinh; tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Đông - chuyên ngành dầu khí tại Pháp… Ngay tại quê hương Sơn Trà, nhiều học trò của Lý Tự Trọng cũng đã và đang đảm nhiệm những vị trí công tác quan trọng trong quận và rất đông những thầy cô giáo đang làm nhiệm vụ giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quận, phường, ở chính ngôi trường Lý Tự Trọng thân yêu cũng đã từng được học tập và rèn luyện ở nơi đây, dưới mái trường này.
Sau bao thăng trầm, thay đổi, trường THCS Lý Tự Trọng, dưới sự lãnh đạo của các thầy cô hiệu trưởng có tâm huyết đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Từ một dãy nhà cấp bốn cũ kĩ, nay cơ sở vật chất đã khang trang - những dãy nhà 2,3 tầng cao ráo, sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi được bao phủ bởi một màu xanh mát. Hiện tại ngoài khu hiệu bộ, trường có 2 dãy nhà 2 tầng với 20 phòng học (tổ chức cho 37 lớp học với gần 1.500 em) và 1 dãy nhà 3 tầng với các phòng chức năng, thí nghiệm, thực hành...sân tập thể thao riêng biệt. Đặc biệt là một khu nhà vệ sinh hiện đại mới được xây năm học 2009-2010. Hệ thống nước uống từ máy khử trùng được đưa về tận lớp học. Với số lượng 30 cán bộ, giáo viên, công nhân viên ban đầu nay trường có gần 90 người đảm bảo về chất lượng (100% giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn). Hàng năm số giáo viên đăng ký thi giáo viên giỏi và tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm có đến 20 người; tỉ lệ đạt giáo viên giỏi cấp cơ sở bình quân là 14 người, 100% giáo viên áp dụng phương pháp đổi mới trong dạy học và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin. 70% giáo viên thường xuyên sử sụng Power point khi lên lớp. Nhiều giáo viên trẻ tiến bước thế hệ trước đã tiên phong, chủ động, sáng tạo trong công tác giảng dạy. Tất cả đó đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục hai mặt của nhà trường. Hàng năm, số học sinh tốt nghiệp thi đậu vào trường PTTH công lập có chất lượng như Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám, Trần Phú, Tôn Thất Tùng... ngày càng cao.
Ngoài hoạt động chính là dạy - học, nhà trường còn tổ chức cho các em tham gia các hoạt động ngoài giờ, đoàn thể xã hội, vui chơi giải trí, văn nghệ, thể dục - thể thao, tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, an toàn giao thông. Đó là bằng chứng thiết thực cho việc thực hiện quan điểm giáo dục toàn diện của Đảng và Nhà nước ta nhằm thực hiện phương châm " Ngày nay học tập ngày mai giúp đời”.
Có thể nói 35 năm qua đi, nhưng những gì mà thầy trò trường THCS Lý Tự Trọng làm được sẽ còn lại mãi mãi. Thành tựu đó, trước hết thuộc về thế hệ thầy cô giáo của trường- những con người ngày đêm đúc kết bao tâm huyết, bao trăn trở, lặng lẽ tỏa hương dâng cho đời vị ngọt, những con người mà nay có thể đã ra đi hoặc còn ở lại- tất cả đều không tiếc sức mình, đã đoàn kết cùng nhau vượt qua mọi thách thức nhất là phải đối mặt với những khó khăn nhất của đất nước, của địa phương, của đời sống thường nhật vốn còn nhiều vất vả, lo toan. Họ - những “kỹ sư tâm hồn”, những người lái đò tận tuỵxứng đáng được tôn vinh trong niềm vui của người ươm mầm mơ ước , gợi mở tương lai, khai sáng tâm hồn. Hạnh phúc nhân đôi khi ta vẫn ngày ngày đến lớp, được cảm nhận bao khía cạnh cuộc đời, được chắt chiu bao giọt mồ hôi của niềm vui nghề giáo, được vỗ về dẫu cuộc đời thường nhật còn nhiều thứ phải lo toan. Những thành tựu đó còn thuộc thế hệ học trò - các em học sinh như phần nào cảm nhận trong từng ánh mắt, từng lời giảng những niềm yêu thương, sự kì vọng, những vất vả, bao lo toan của các thầy cô giáo để nổ lực hết mình giành lấy những thành tích tốt, những thắng lợi vẻ vang trong các kì thi. Có được những thành tích đáng khích lệ này, bên cạnh sự cố gắng của tập thể sư phạm, của tập thể học sinh, trường còn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ban ngành của Quận Sơn Trà, Phòng Giáo dục&Đào tạo Quận Sơn Trà, UBND phường Thọ Quang, sự chung lưng đấu cật của nhân dân và các đoàn thể trong và ngoài nhà trường, của Hội phụ huynh học sinh, các đơn vị kết nghĩa về cả vật chất lẫn tinh thần. Đấy là niềm khích lệ, sự động viên rất lớn phần nào để khắc phục những khó khăn, khích lệ tinh thần, động viên sâu sắc để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ trồng người thiêng liêng này.
Ôn lại những thành tựu của trường trong 35 năm qua và để phát huy truyền thống mà trường có được, đồng thời đáp ứng yều cầu ngày càng cao về nhu cầu học tập của nhân dân địa phương, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước nói chung và ở địa phương nói riêng. 35 năm đã đi qua, một quãng thời gian đủ để ta cảm nhận những tâm tình của các thầy cô giáo, hiểu hơn nghĩ suy trăn trở về nghề mà trong tận cùng sâu thẳm tình yêu cuộc đời , những nghĩ suy về cuộc sống , những lo toan , cảm nhận những đổi thay trong tiềm thức con người , những đổi thay trong nhịp đời hối hả vẫn là nỗi khát khao , niềm mong ước được chung cùng , được tận hưởng những giọt mầm cuộc sống đang dần được khai mở, được thắp sáng trong nghiệp đời phấn trắng, bảng đen.
Bao lứa thầy cô đã cống hiến, dâng hết sắc hương, dâng cả niềm kiêu hãnh, rồi lại lặng lẽ quay về với đời thực, hay lặng lẽ ra đi mãi mãi nhưng mang theo niềm tự hào về những gì đã trao, đã chắt chiu trong bao mùa gặt . Sẽ chẳng có điều gì là bất tử nhưng chúng ta những con người đảm nhận trách nhiệm thiêng liêng trong sự nghiệp trồng người, dù được cắt nghĩa như thế nào người thầy giáo vẫn không mất đi vẻ đẹp quyến rũ, vẫn lung linh, đầy ắp hương hoa và hơi thở cuộc đời.
Chúng ta thực sự tự hào vinh danh những thành tích đã đạt dược, vinh danh những đóng góp to lớn của các thầy cô giáo, của các em học sinh đã làm rạng rỡ thêm truyền thống hiếu học mà trường THCS Lí Tự Trọng chúng ta luôn cố gắng phát huy trong 35 năm qua. Và hãy vui lên, hãy vững tin trên bước đường ta đi tới ngân nga khúc hát tự trào người gieo hạt hôm nay.