Đăng ngày: 04/03/2019
Lượt xem: 957

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC STEM TRONG HOẠT ĐỘNG

 NGOẠI KHÓA MÔN HÓA HỌC TẠI TRƯỜNG THCS LÝ TỰ TRỌNG

 

“Sử dụng phương pháp giáo dục STEM để tổ chức hoạt động ngoại khóa môn hóa học ở trường trung học cơ sở nhằm phát triển năng lực và hứng thú học tập cho học sinh” là nội dung sinh hoạt chuyên đề cấp quận học kì II năm học 2018 – 2019 được tổ Hóa –Sinh trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng tổ chức thực hiện sáng ngày 02 tháng 3 năm 2019. 

Ở nước ta trong những năm qua, giáo dục đã có những thay đổi đáng kể nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực mới cho đất nước. Nổi trội là đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng phương pháp tích cực, lấy người học làm trung tâm như: bàn tay nặn bột, dạy học dự án, nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM… Phương pháp bàn tay nặn bột dễ gây nặng nề, quá tải; dạy học dự án tốn nhiều công thức và thời gian; nghiên cứu khoa học yêu cầu cao về năng lực tư duy; còn giáo dục STEM lại khá đa dạng về đối tượng, mức độ, trình độ.

Song song với việc đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, ngày 19 tháng 1 năm 2018, Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố bản dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới do giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm tổng chủ biên đã đưa ra bốn chủ đề của môn khoa học tự nhiên khối trung học cơ sở bao gồm: chất và sự biến đổi của chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, trái đất và bầu trời. Trong những năm qua, Bộ giáo dục và đào tào, Sở Giáo dục và đào tạo thành phố Đà Nẵng khuyến khích các thầy cô giáo sắp xếp lại chương trình môn học, dạy học theo chủ đề để từng bước thích nghi với sự thay đổi của chương trình phổ thông mới.

Bill Gates đã từng nói: Chúng ta không thể duy trì được nền kinh tế dẫn đầu toàn cầu trừ khi chúng ta xây dựng được lực lượng lao động có kiến thức và kỹ năng để sáng tạo… Chúng ta cũng không thể duy trì được một nền kinh tế sáng tạo trừ khi chúng ta có những công dân được đào tạo tốt về toán học, khoa học và công nghệ, kỹ thuật”. STEM là một phương pháp chủ đạo của giáo dục thế giới trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp lần 4. STEM đã phá bỏ rào cản giữa các bộ môn riêng rẽ, giữa lý thuyết hàn lâm với thực tế, giúp các em có được năng lực giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, có kỹ năng giao tiếp xã hội, hợp tác nhóm.  Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khuyến khích các trường đưa môn học STEM vào giảng dạy vì hiệu quả môn học mang lại cho cộng đồng xã hội bằng những sản phẩm thiết thực trong đời sống hàng ngày. Tổ Hóa – Sinh trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng đã áp dụng giáo dục STEM vào hoạt động ngoại khóa môn Hóa học trong năm học 2018 – 2019. Tiếp nối chủ đề “Bay lên nào bóng ơi”ở học kì I, ngày 2 tháng 3 vừa qua tổ Hóa – Sinh đã thực hiện chủ đề “Lính cứu hỏa”. Qua chủ đề này học sinh được tìm hiểu về điều kiện phát sinh và các biện pháp dập tắt sự cháy, biết cách chế tạo bình cứu hỏa mini.

Chuyên đề được lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng các trường thành viên đánh giá là rất hay và rất mới mẻ. Cô Phạm Thị Hoa - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận chia sẻ: “Với chương trình phổ thông mới Một chương trình – Nhiều sách giáo khoa, giáo dục STEM là một phương pháp giáo dục hay và phù hợp để các thầy cô tập dượt, tiếp cận, đón đầu cho một đợt thay sách sắp tới khi mà chính chúng ta phải tự biên soạn tiến trình tổ chức 1 bài học đảm bảo rèn luyện cho học sinh có đủ 5 phẩm chất và 10 năng lực trong thời đại mới. Trong chương trình mới sẽ có thêm bộ môn là hoạt động trải nghiệm sáng tạo khá giống với hình thức giáo dục STEM. Chính vì vậy chúng ta cần chủ động đổi mới, tăng cường học hỏi và chia sẻ lẫn nhau để không ngỡ ngàng khi tiếp cận với chương trình phổ thông sắp đến”.

Tổ Hóa – Sinh trường trung học cơ sở Lý Tự trọng chân thành cảm ơn sự ghi nhận của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng các trường thành viên cũng như những nhận xét góp ý của quý đồng nghiệp tạo động lực lớn lao cho chúng tôi tiếp tục hoàn thiện hơn chuyên đề của mình. Rất mong nhận được sự hợp tác của bạn bè đồng nghiệp trên địa bàn quận Sơn Trà để cùng nhau phát triển phương pháp giáo dục STEM trên phạm vi rộng lớn hơn trong thời gian sắp đến.

        

Thủy Nguyễn – Cát Nguyên


Cô Hà Thị Ngọc Hoa
Hiệu trưởng


Cô Nguyễn Thị Thủy
Phó hiệu trưởng
Lượt truy cập: 1385553