Đăng ngày: 06/04/2012
Lượt xem: 3856

Trần Thị Thanh Thảo -  Cựu học sinh

Tiếng nói chuyện rôm rả, tiếng cười đùa ríu rít vang khắp ngôi nhà nhỏ và cứ thế giành nhau nói chuyện. Hôm nay - tối thứ 7, bốn đứa chúng tôi lại tụ tập với nhau. Biết bao nhiêu là chuyện, từ chuyện thời sự, chuyện trường lớp, chuyện làm thêm…mọi tin tức nóng hổi đều trở thành đề tài của chúng tôi. Mỗi buổi tối như thế này, căn phòng của tôi ồn ào, náo nhiệt, ấm cúng hẳn lên. Nhiều lúc chúng tôi còn bị mẹ mắng:

          “ Các cô lớn cả rồi mà chẳng ý tứ gì cả, lúc nào cũng như trẻ con vậy!”

          Thế nhưng có khi nào không khí ấy bị chùng xuống đâu, lại còn rộn ràng hơn nữa chứ. Và tối nay, trong lúc chuyện trò, nhỏ Trang nhắc lại mấy câu chuyện vừa bi vừa hài năm học lớp 9. Bất chợt tôi nhớ lại một kỷ niệm – có lẽ nó đã nằm sâu trong ký ức tôi suốt bao năm qua, giờ lại hiện về khiến tôi có chút gì đó rạo rực, vui sướng lạ thường.

          Năm ấy, lớp 9/2 của chúng do cô Hạnh – giáo viên dạy Toán chủ nhiệm. Lớp tôi tuy có nhiều học sinh giỏi nhưng cũng không kém phần nghịch ngợm. Có lẽ vì điều ấy mà cô Hạnh tỏ ra hết sức nghiêm khắc với lớp tôi. Nhớ có lần chúng tôi mất trật tự trong giờ học, bị thầy giáo bộ môn phê  vào sổ đầu bài, cô đã rất tức giận. Và toàn bộ ban cán sự lớp đã bị cô phạt rất nặng. Hình như hôm ấy, nhỏ Trang đã suýt khóc, bởi nhỏ là lớp trưởng mà!

          Sau một tháng học, chúng tôi bắt đầu thi vào các đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi của trường. Nhờ có chút khả năng viết lách, tôi và Ngọc được cô Nguyệt Quế - cô giáo dạy văn của lớp chọn vào đội tuyển. Trong lúc ấy Vân Anh và Trang còn chưa biết vào đội tuyển nào, thế là cô khuyến khích hai bạn vào đội tuyển Văn. Lúc đó, chúng tôi vui lắm, mấy cô nhóc lại có thêm thời gian cùng học, cùng đùa nghịch. Suy nghĩ của lũ học trò chúng tôi khi ấy có lẽ chỉ có vậy – vô tư, trong sáng.

          Thế nhưng không biết từ lúc nào, những bài giảng văn của cô đã đi vào tâm trí chúng tôi. Cùng học với chúng tôi còn có bạn Thoa - lớp 9/5 tham gia đội tuyển. Hàng tuần, ngoài những tiết học văn trên lớp, chúng tôi có thêm 2 buổi học bồi dưỡng để đi sâu vào nền văn học Việt Nam cùng với cô. Giọng nói ấm áp, truyền cảm cùng lời văn giản dị, mộc mạc, cô đã đưa chúng tôi đi hết thời kỳ văn học này đến thời kỳ văn học khác. Từ những bậc thi sĩ danh tiếng, những đại thi hào kiệt xuất đến những áng văn chương bất hủ cùng thời gian. Có lẽ, cô đã mở ra cho chúng tôi một cánh cửa mới để đến gần hơn với văn học nước nhà.

          Và hơn hết, chúng tôi đã tìm thấy được những bài học giá trị về nhân cách, phẩm chất, đạo đức con người qua những bài giảng của cô. Càng ngày, chúng tôi càng có nhiều hứng thú và say mê hơn với môn học này. Ngoài những quyển sách cô cho mượn, chúng tôi còn tìm tòi, sưu tầm thêm những tư liệu khác để đọc và trao đổi với nhau.

          Và rồi, kỳ thi học sinh giỏi thành phố cũng cận kề. Hai buổi học bồi dưỡng trên trường giờ đây không còn đủ cho chúng tôi ôn luyện. Nhưng do điều kiện phòng học không đủ, chúng tôi không thể học thêm tại trường, cô đã thu xếp và đưa chúng tôi đến nhà cô để dạy. Mặc dù có một số khó khăn nhưng cô trò chúng tôi đã nỗ lực vượt qua vì ai cũng biết rằng đây là thời điểm quyết định. Hầu như cả tuần, chúng tôi đều có mặt tại nhà cô. Sau những giờ học căng thẳng mọi người đều mệt nhưng vẫn không tỏ ra nản lòng. Những lúc giải lao, cô thường kể chuyện vui để tạo sự thoải mái cho tiết học tới. Năm chúng tôi, không ai bảo ai, nhưng tất cả đều tự nhủ phải cố gắng thi thật tốt trong kỳ thi này.

          Thi xong, chúng tôi lại trải qua một thời gian dài thấp thỏm chờ đợi. Cuối cùng, ngày nhận kết quả của kỳ thi đã đến. Và tuyệt vời sao, cả 5 bạn trong đội tuyển đều đạt giải. Tôi không biết nên diễn tả lại cảm xúc của chúng tôi lúc ấy ra sao, chỉ biết đó là niềm vui, sự sung sướng bất tận. Tôi còn nhớ như in khuôn mặt rạng rỡ cùng nụ cười hạnh phúc của cô trước thành công của lũ học trò nhỏ. Đội tuyển văn của chúng tôi năm ấy là đội tuyển duy nhất có 100% học sinh đi thi đạt giải. Tuy đội chỉ đứng thứ 5 toàn Đoàn với 2 giải ba và 3 giải khuyến khích nhưng đối với chúng tôi, như vậy là quá đủ khi mà sự cố gắng của cô trò bỏ ra đã có được kết quả xứng đáng.

          Đây chính là kỷ niệm mà tôi muốn nhắc đến lúc này và có lẽ nó sẽ đi theo tôi, Trang, Ngọc và Vân Anh suốt chặng đường còn lại. Kỷ niệm này thật khó quên, bởi chúng tôi tự hào rằng mình đã có một thành tích nhỏ đóng góp cho ngôi trường thân yêu này. Dù kết quả ấy rất nhỏ trong vô vàn những thành tích mà bao thế hệ học trò cùng chung tay gắng sức, xây dựng nên một bề dày thành tích dạy tốt và học tốt của ngôi trường mang tên anh Lý Tự Trọng.

          Giờ đây, chúng tôi đã là những sinh viên – trưởng thành trong cuộc sống. Và, không có ai trong chúng tôi đi theo con đường văn chương : đứa thì kinh tế, đứa thì bách khoa, rồi công nghệ thông tin. Đã có lúc tôi tự hỏi rằng cô giáo dạy Văn của chúng tôi có cảm thấy buồn hay thất vọng về điều này không. Nhưng tôi tin rằng câu trả lời của cô sẽ là niềm tự hào bởi cô đã dạy cho chúng tôi những bài học làm người sâu sắc để hôm nay chúng tôi là những công dân có ích cho xã hội.


Cô Hà Thị Ngọc Hoa
Hiệu trưởng


Cô Nguyễn Thị Thủy
Phó hiệu trưởng
Lượt truy cập: 1385113