Đăng ngày: 06/04/2012
Lượt xem: 4084

Ly Na (Cựu học sinh)

 

Tôi đọc được trong một cuốn sách: “Người ta có hai môi trường để sống, đó là môi trường sinh thái và môi trường nhân văn. Nghệ thuật sinh ra để bù đắp cái chưa hoàn thiện của con người. Khi xã hội có nhiều bất cập thì nó lên tiếng, khi xã hội thiếu thốn thì nó vẽ ra những viễn cảnh tương lai…Không có một nghệ thuật nào có giá trị mà lại đi ngược với bản chất nhân văn .”

         Thật ra những khái niệm này không lấy làm mới với dân chuyên văn và hiện đang làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật như tôi. Nhưng sao hôm nay trong cái môi trường sinh thái mà tôi tồn tại. Bỗng, thấy lạ quá! Đã lâu rồi, tôi không còn cảm nhận được cái bên trong của câu chữ. Hay bởi :

Lưỡi vướng vị ngon , tai vướng tiếng

Mắt theo hình sắc , mũi theo hương

Lênh đênh làm khách phong trần mãi

Ngày hết quê xa , vạn dặm trường

(Trần Thái Tôn)

            Tôi mãi đuổi theo những cảm giác ra bên ngoài mà quên mất đời sống nội tâm , đến mức làm khách của chính mình, không biết cội nguồn mình ở đâu!

           Nhớ ngày nào cũng với đề thi học sinh giỏi lớp 9, đánh giá nhận định: “Nghệ thuật vị nhân sinh”, tôi đã đạt giải cơ mà! Ngày ấy, tôi đã viết gì và hiểu gì nhỉ?

             Tôi  đến với duyên văn chương thật tình cờ. Cấp 1,vốn dĩ tôi là học sinh chuyên Toán .Thế mà không hiểu sao với một bài văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “ Mưa ” của Trần Đăng Khoa, tôi lại được cô Nguyệt Quế chọn vào đội tuyển văn lớp 6. Lúc đó lòng vừa mừng vừa sợ khi đến với một môi trường hoàn toàn mới. Nhưng tôi lại muốn khám phá xem mình sẽ làm được gì ở đây. Và rồi mọi chuyện không trải đầy hoa hồng, tôi trầy vi tróc vẩy với những bài viết luyện hằng tuần, có lúc không biết lấy đâu ra chữ mà viết nữa. Chằng lẽ nói : “Cô ơi con không biết viết gì đây”. Không được! Tôi tự hỏi sao cái bài “ Mưa” đó mình lấy ý đâu ra mà viết thế nhỉ; bài đó tôi được cô phê là : “ rất có cảm xúc”. Ôi , cảm xúc của tôi! Đi đâu , đi đâu…

             Thế rồi cảm xúc trở về bên cạnh khi tôi được chọn bồi dưỡng thi thuyết trình văn học. Đó là lúc tôi đọc những dòng thơ :

Sông của quê hương ,sông của tuổi trẻ

Sông của miền Nam nước Việt thân yêu

Tôi sẽ về, nơi tôi hằng mong ước

Tôi sẽ về, sông nước của quê hương

Tôi sẽ về, sông nước của tình thương.

(Tế Hanh)

            Trong bài viết cô Nguyệt Quế hướng cho tôi chọn đề tài : “ Nhớ con sông quê hương ’’của Tế Hanh –Dòng cảm xúc nhớ thương mãnh liệt về quê hương miền Nam yêu dấu.”

             Chính bài viết ấy đã đem đến cho tôi niềm hứng khởi như vừa được đánh thức sau giấc ngủ vùi mệt nhọc. Tôi thấy lòng mình dâng lên niềm xúc cảm khi ‘‘bơi lội trên sông’’, khi thì “đứng dưới hàng cây”, “ Nghe dâng cả một nỗi tràn đầy” và tôi đã đi thi với nguyên vẹn dòng xúc cảm như vậy. Cô học trò lớp 6 chỉ sống bằng cảm xúc lại thiếu đi kiến thức về con sông ngay chính tại quê mình khi thầy Phúc –ban giám khảo đặt câu hỏi : “Vậy em hãy kể một vài bài hát về những con sông quê hương em”. Tôi đã  đứng sựng,rồi tái mặt! Ôi, nào là Cẩm Lệ, sông Hàn…tôi đã không trả lời được. Tôi đã không đạt giải trong kỳ thi năm đó. Bù lại cái sự “dai dẳng lòng tôi như suối tưới “ ấy lại nuôi dưỡng tình yêu của tôi với môn Văn.

               Vào một buổi sáng của kỳ thi học kỳ II - môn lịch sử. Cô giám thị gọi tôi ra ngoài, chưa kịp hiểu chuyện gì thì cô Nguyệt Quế chạy đến ôm chầm lấy tôi: “Con được giải Nhì thi học sinh giỏi Văn thành phố”. Giọng nói của cô thơm mùi sôcôla và cả mùi hạnh phúc nữa. Nếu được chạm vào giọng nói ấy chắc nó sẽ mềm như nhung vậy. Còn tôi, ngập tràn sướng vui chứ gì nữa! Một tin tức bất ngờ và đầy mơ ước  “Mình được giải nhì, giải nhi” - lòng khấp khởi khi trở lại phòng thi…

Lớp 6 “huy hoàng “ kết thúc bằng một buổi sinh hoạt và một món quà cô Quế tặng riêng cho tôi. Mở nó ra đầy thích thú : “ Ôi quả địa cầu, sao cô biết con đang rất muốn có nó”. Tôi reo lên, cô chỉ khẽ mỉm cười. Và tôi cũng chỉ nhớ có thế,vì sau đó thì mải mê trong niềm vui của mình.

               Về nhà tôi xoay nó rồi bắt đầu đi du lịch bằng trí tưởng tượng, tôi mặc định nơi ngón tay tôi dừng lại sẽ là nơi tôi đến trong chuyến hành trình dài của đời mình cùng bạn đồng hành là hai câu thơ cô đề tặng :

 

Nếu là con chim chiếc lá

Con chim phải hót,chiếc lá phải xanh

(Tố Hữu)

Tôi ngày ấy chỉ hiểu rằng cô Quế nhắn nhủ tôi hãy luôn xanh như lá, hót như chim và đạt giải như tôi lúc này!

          Nhưng đến lớp 7, khi thuyết trình về bài thơ “ Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy dưới sự hướng dẫn của cô Vũ Thị Mai. Cô đã cho tôi thêm một cái nhìn,cái nhìn riêng cho bản thân mình :

 Tre xanh

Xanh tự bao giờ

Không phải tre chỉ “ xanh” mà tre còn mang vẻ đẹp thanh thoát, dẻo dai :

Ở đâu tre cũng xanh tươi

Cho dù cát sỏi đá vôi bạc màu

Tre thẳng thắn bất khuất

Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh

Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm

Và tre giàu đức hy sinh, gắn bó thủy chung :

Chẳng may thân gãy cành rơi

Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng

Tre chính là biểu tượng cho con người Việt Nam với những phẩm chất quý báu. Và bản thân tôi cảm thấy  không giản đơn rằng đạt giải là tôi đã “ xanh “ như hình ảnh “chiếc lá “ ẩn dụ. Tôi còn phải suy nghĩ nhiều về cốt cách người Việt, và truyền thống ông cha để lại, để cho : 

Mai sau

Mai sau

Mai sau

Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh

(Nguyễn Duy)

Cả lớp 7 và lớp 8 tôi đều đạt giải nhì kỳ thi thuyết trình văn học toàn thành phố nhờ sự hướng dẫn tận tình của cô  Mai. Thế nhưng hình như trong tôi, có điều gì đó vẫn chưa được khơi trong.

Lên lớp 9 , cô Nguyệt Quế trở lại bồi dưỡng  đội tuyển. Và tôi đã hỏi cô về hai câu thơ ngày ấy. Cô khẽ cười và đọc tiếp hai câu tiếp theo:

 

 

Lẽ nào vay mà không trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình

(Tố Hữu)

         Lúc này đây tôi dần hiểu: tạo hóa sinh vạn vật cũng đồng thời gán cho chúng những trách nhiệm với cuộc sống. Con người sinh ra bên cạnh quyền lợi hạnh phúc được hưởng thụ là bổn phận, trách nhiệm, cống hiến. Và “nghệ thuật vị nhân sinh” cũng vì lẽ đó.

           Đúng rồi, năm ấy tôi đạt giải ba, nhưng sâu thẳm trong tôi lại sung sướng như nhìn thấy được mình, tôi thấy rõ hơn con đường tôi đi, và những gì tôi cần phải luôn đem theo trong ký ức suốt đời học sinh, nhất là ngôi trường mang tên anh hùng Lý Tự Trọng.

          Theo vòng quay địa cầu, nơi đầu tiên tôi đặt chân tới là thành phố mang tên Bác – Tp.Hồ Chí Minh. Năm năm với những trải nghiệm non nớt, có lúc tôi thấy mình chạy đuổi theo những ước mơ, tôi không còn thấy mình như cái ngày ấy nữa.

         Nhưng có lẽ sâu thẳm trong tôi vẫn luôn nhớ rằng : “ Ai đã từng đi qua mảnh đất miền Trung của những ngày hè nắng như đổ lửa chắc sẽ không bao giờ quên được cảm giác được ngụp lặn trong dòng nước sông quê mát rượi “lời cô đã đem đến cho tôi  và “ tôi sẽ về…” để lại được nhìn thấy chính mình trước dòng sông Hàn mỗi buổi sớm. Đi xa, tôi đã biết và nhớ được vài câu hát về dòng sông quê hương : “ dù mai, em về đâu, qua sông Hàn vẫn nhớ, đêm đêm thành phố thở, gió mặn mùi biển khơi. Lời của gió qua rồi, lời trái tim còn mãi…”

          Hình ảnh con chim, chiếc lá, tre xanh, dòng sông quê hương ngày đó vẫn luôn nhắc nhở tôi mãi với thời gian.


Cô Hà Thị Ngọc Hoa
Hiệu trưởng


Cô Nguyễn Thị Thủy
Phó hiệu trưởng
Lượt truy cập: 1385196